Bằng việc thui vàng để che hết dấu vết bệnh tật, phần thịt thối đang dần phân hủy, những con lợn chết đã biến thành đặc sản lợn mán.
Vấn nạn thực phẩm bẩn đang bủa vây với nhiều chiêu trò, mánh khóe của các tiểu thương gian dối, không chỉ ảnh hưởng đến môi trường mà quan trọng hơn hết là sức khỏe của người tiêu dùng.
Mới đây, theo một phóng sự điều tra phát trên chương trình Chuyển động 24h của VTV 1, nhóm PV đã thâm nhập điều tra và phát hiện những con lợn thối rữa ruồi nhặng bâu đầy được phù phép thành lợn mán vàng ươm và được bày bán công khai ngay trước cổng chùa Tây Thiên, Vĩnh Phúc.
Anh Trung, một người dân nơi đây cho hay, đã nhiều lần chứng kiến những con lợn mới chết nằm trên cầu bỗng nhiên biến mất một cách lạ thường: “Lấy mấy con lợn chết về chắc để khò làm thịt lợn Mán, bán thịt lợn Mán nhiều lắm, toàn thịt lợn chết thôi”.
Từ những nghi vấn của người dân, PV đã tìm đến một trong những cơ sở chuyên bán thịt lợn Mán trong khu di tích Tây Thiên.
Tại đây, một con lợn nái có trọng lượng 60kg không rõ đã chết cứng từ bao giờ, toàn thân thể chuyển sang màu tím tái, bốc mùi hôi, thế nhưng vẫn được chủ cơ sở đem ra làm thịt. Có lẽ đã quen với việc giết mổ lợn chết, chủ cơ sở thản nhiên chia sẻ: “Vừa nãy còn bảo cái thằng đấy mai qua lấy phụ cho anh, bây giờ nhà anh mổ lợn nó nhiều con thối”.
Sau khi rửa sơ qua, người đàn ông này tiến hành mổ lợn ngay mà không cần chọc tiết vì lợn chết đã lâu, có cắt cũng không ra tiết. Trên nền gạch, thịt, phân lẫn lộn. Sau khi bỏ hết nội tạng ra ngoài và ướp đá vào trong để giữ thịt tươi, con lợn chết được cuốn chặt trong lớp vải bạt. “Lợn chết thế này, ướp đá mới hãm được lâu”, người đàn ông nói.
Sau khi đã sơ chế, đống nội tạng được cho vào bao tải và ném ra vị trí quen thuộc là con suối Giải Oan, chỉ một lúc sau, ruồi nhặng đã bâu đầy.
Sáng sớm hôm sau, những con lợn chết được thui vàng để che dấu hết dấu vết bệnh tật phân hủy. 8h sáng, những con lợn chết đã thành lợn Mán, được chủ cơ sở chở đến các sạp hàng trước cửa Tây Thiên, chờ đợi những vị du khách thập phương về đây lễ phật. Những tiểu thương khác cũng chở lợn ra tạo thành khu chợ lợn Mán tấp nập.
Các loại lợn bệnh, lợn chết mỗi ngày khác nhau nên ở các quầy hàng các tiểu thương cũng có cách chào hàng khác nhau. Ví dụ những con lợn có trọng lượng dưới 30kg sẽ được gọi là lợn cắp nách.
“Đây là lợn gì đây?”, PV vào vai người mua hàng hỏi, và được tiểu thương trả lời “Lợn cắp nách ạ”.
“Lợn rừng hay lợn Mán”, PV hỏi tiếp. Tiểu thương tiếp tục trả lời“Đây là lợn cắp nách anh ơi, lợn này nó chỉ được 20, 25kg thôi”.
Còn với những loại lợn chết từ 50kg trở lên sẽ được gọi là lợn rừng. “ Lấy thử 1kg về xào sả ớt ngon lắm”, một tiểu thương khác chào hàng.
Khi người đàn ông hỏi “Đây là lợn rừng à?” thì được tiểu thương nói “Vâng, lợn rừng ba lông này anh này”. Thế nhưng, với những miếng thịt lợn đã được thui kỹ thì du khách có tìm căng mắt cũng không thể thấy dấu hiệu nhận biết như chủ hàng quảng cáo. Lại thêm tâm lý mua hàng vội vã khi đi du lịch, nhiều khách hàng sẵn sàng trả hàng triệu đồng mua cả con lợn về làm quà. Sau khi màn mua bán thành công, những con lợn chết được tiểu thương đóng thùng xốp, ướp đá cẩn thận, mang ra tận bãi đỗ xe cho khách.
Để tạo sự tin tưởng, chủ cơ sở giết mổ lợn chết còn sẵn sàng cho khách cả nửa kg thịt ăn thử mà không lấy tiền. “Đây là lợn rừng à? Lợn rừng chuẩn không?”, PV hỏi.
Chủ cơ sở khẳng định: “Lợn rừng đấy, nuôi đấy. Em ăn cơm chưa? Chưa ăn anh cắt cho 5 lạng đi ăn không phải trả tiền đâu”.
Được biết, một con lợn hàng chục kg, khi thu mua giá chỉ 200.000 đồng, nhưng khi phù phép thành lợn Mán thì giá bán đã tăng vọt thành 120.000 đồng/kg. Siêu lợi nhuận đã khiến cho các gian thương dùng đủ mọi thủ đoạn để trục lợi trên sức khỏe của người tiêu dùng.
Người gửi / điện thoại
|
Shop dầu dừa Ly Ly Tổ 2, P Tân Thịnh TP Thái Nguyên
HOTLINE: 01678 74 78 66